Tọa đàm “Kết nối các di sản thế giới tại Việt Nam”
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Tham dự buổi tọa đàm có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cùng đại diện các vụ, đơn vị chức năng thuộc Tổng cục Du lịch; đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa và một số địa phương trên địa bàn tỉnh; đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa cùng các cơ quan, tổ chức có liên quan; các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong nước; các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Ngọc Hồi – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, việc được lựa chọn là địa phương đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia (NDLQG) 2015 với chủ đề “Kết nối các di sản thế giới” là cơ hội để Thanh Hóa quảng bá tiềm năng du lịch, đồng thời kêu gọi đầu tư phát triển du lịch, từng bước khẳng định vị thế của du lịch địa phương. Trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật du lịch tại các khu du lịch trọng điểm; lựa chọn và ưu tiên đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng và là thế mạnh của tỉnh như du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch làng nghề, du lịch sinh thái văn hóa miền núi…; đồng thời tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm xây dựng môi trường du lịch tự nhiên và xã hội xanh - sạch - an toàn - thân thiện - hấp dẫn. Nhờ đó, các chỉ tiêu về du lịch đạt tốc độ tăng trưởng bình quân gần 13%/năm. Năm 2015, du lịch Thanh Hóa dự kiến đón 5,5 triệu lượt khách, trong đó có 125 nghìn lượt khách quốc tế; tổng thu từ du lịch ước đạt trên 5 nghìn tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Ngọc Hồi phát biểu tại buổi tọa đàm
Trong danh sách các di sản thế giới tại Việt Nam được UNESCO công nhận, Thanh Hóa có Di sản Văn hóa Thế giới Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc). Tỉnh rất cần sự quan tâm, tư vấn của các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch, các nhà nghiên cứu di sản văn hóa để phát huy tốt nhất giá trị vốn có của di sản thế giới Thành nhà Hồ và trong tương lai gần đầu tư phát triển trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn trong hành trình “Kết nối các di sản thế giới tại Việt Nam”.
Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, các đại biểu đã tham gia thảo luận nhằm đưa ra các giải pháp kết nối các di sản thế giới tại Việt Nam, trong đó, hầu hết đều nhất trí với việc tập trung đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch có chất lượng; đảm bảo an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường và kích cầu du lịch nội địa; nâng cấp các tuyến đường giao thông, cơ sở hạ tầng tại các khu, điểm du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ, đội ngũ nguồn nhân lực, năng lực quản lý nhà nước để phát triển du lịch bền vững... Các đại biểu cũng đề xuất chọn nghiên cứu thí điểm làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) và Thành nhà Hồ là sản phẩm du lịch văn hóa và điểm đến du lịch hấp dẫn trong hành trình kết nối di sản. Riêng với du lịch Thanh Hóa, các đại biểu cho rằng cần đẩy mạnh thực hiện chương trình kích cầu du lịch trong mùa thấp điểm để khắc phục tính mùa vụ; chú trọng kết nối các khu di tích, di sản thế giới trên địa bàn tỉnh; đồng thời quan tâm đến đối tượng khách, chất lượng dịch vụ, năng lực quản lý trong xây dựng sản phẩm du lịch.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu phát biểu kết luận buổi tọa đàm
Kết luận buổi tọa đàm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đánh giá cao sự phối hợp của Thanh Hóa và các địa phương có di sản trong hành trình khảo sát kết nối các di sản thế giới tại Việt Nam. Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh, để phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về di sản trong hoạt động du lịch, thời gian tới, Thanh Hóa và các tỉnh/thành trong hành trình kết nối các di sản thế giới cần đẩy mạnh tính liên kết, trong đó chú trọng kết nối các di tích, di sản cũng như tăng cường kết nối giữa các ngành, các địa phương và giữa cư dân tại các điểm du lịch với du khách, hướng tới mục tiêu tăng trải nghiệm cho du khách và mang lại lợi ích cho các bên tham gia hoạt động du lịch.
Bài: Phạm Phương; ảnh: Vũ Trình
Theo : TCDL
Bài viết cùng danh mục:
- 0 Bình luận