Nỗ lực đưa hát Xoan ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp

 

Các nghệ nhân trẻ biểu diễn tiết mục "Thơ nhang" tại miếu Lãi Lèn, xã Kim Đức, TP. Việt Trì - nơi được coi là phát tích hát Xoan. Ảnh: Cổng GTĐT Phú Thọ

Ngày 24/11/2011, hát Xoan Phú Thọ được UNESCO công nhận là “Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp”.

Ngay sau khi UNESCO công nhận, tỉnh Phú Thọ đã xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại - hát Xoan Phú Thọ giai đoạn 2013-2020” và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 7/11/2013.

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Đề án, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, giao Sở VHTTDL phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa (đơn vị tư vấn lập hồ sơ), lập hồ sơ trình UNESCO xem xét đưa hát Xoan ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp vào cuối năm 2015.

Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết hơn 3 năm qua, bằng sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, nhân dân, đặc biệt là ở những làng Xoan gốc, hát Xoan Phú Thọ đã được phục hồi, có sức sống mãnh liệt.

Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ thực hiện xuất bản tổng tập “Hát Xoan Phú Thọ”, đây sẽ là chứng cứ, cơ sở quan trọng để đưa vào hồ sơ trình UNESCO với 1.200 trang gồm những tài liệu được thu thập từ hàng ngàn tài liệu nghiên cứu những bài hát Xoan đã di biến từ năm 1970 đến nay.

Tỉnh cũng vừa xuất bản hơn 4.000 đĩa CD và 3.000 cuốn sách “Hát Xoan Phú Thọ - tuyển chọn I” và đẩy mạnh việc đưa hát Xoan vào trường học; tiếp tục hoàn thiện các dự án bảo quản tu bổ, khôi phục các di tích liên quan.

Từ một loại hình nghệ thuật có nguy cơ bị mai một, với nỗ lực truyền dạy ra cộng đồng, đến nay số người tham gia thực hành hát Xoan ở cả 4 phường Xoan (An Thái, Thét, Phù Đức và Kim Đới ở hai xã Phượng Lâu, Kim Đức, TP. Việt Trì) và 23 câu lạc bộ trên địa bàn tỉnh là 1.148 người, cùng với hàng trăm người tham gia không thường xuyên khác. Từ năm 2012 - 2015 đã có 51 người được Nhà nước phong tặng “Nghệ nhân hát Xoan Phú Thọ”.

Tỉnh đã tuyên truyền giới thiệu, cập nhật thường xuyên các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát Xoan trên Cổng giao tiếp điện tử tỉnh Phú Thọ bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt; đẩy mạnh tuyên truyền trên các kênh thông tin đối ngoại như VTC4, VTC10... để quảng bá rộng rãi đến công chúng trong nước và nước ngoài.

Cuối tháng 8/2015, Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ tổ chức báo cáo Hồ sơ đề nghị UNESCO đưa hát Xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp.

Tiến sỹ Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa đã khái quát báo cáo Hồ sơ này.

Cụ thể, hát Xoan đã được nhanh chóng bảo vệ khẩn cấp bằng những biện pháp cụ thể mà trước tiên là bảo vệ con người. Theo đó, các nghệ nhân đã được quan tâm đầu tư để có điều kiện tham gia truyền dạy; mỗi phường Xoan đã được quan tâm đầu tư và hỗ trợ để cộng đồng thực hành thường xuyên; nhiều ngôi đình được tu bổ, tôn tạo để tạo không gian cho cộng đồng thực hành và truyền dạy hát Xoan…

Hát Xoan cũng đã được đưa vào nhà trường như một môn học tự nguyện về lịch sử, văn hóa địa phương. Từ đó có thể tạo được một lớp công chúng, khán giả mới cho hát Xoan.

Theo bà Lê Thị Minh Lý, báo cáo về tiến độ xây dựng Hồ sơ tình trạng bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể hát Xoan Phú Thọ cơ bản hoàn thiện. Tháng 11 tới, hồ sơ sẽ được hoàn chỉnh để trình UNESCO đưa hát Xoan ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp và sẽ được ghi danh vào danh sách “Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” trong năm 2016.

                    Nguồn: chinhphu.vn
Chia sẻ:

Bài viết cùng danh mục:

Viết Bình luận