Kỳ 1: Nước Nga du ký - nhà báo Hồ Cúc Phương

Kỳ 1: Nước Nga du ký 

07:59 | 11/06/2017

Lần đầu đến Nga, nhưng tôi lại có cảm giác thân thuộc, gần gũi như được trở về nhà. Hẳn là bởi thế hệ 7X chúng tôi đã từng được tiếp cận, hít thở bầu không khí văn hóa Nga đậm đặc qua từng trang sách, bản nhạc, bộ phim... suốt những năm tháng tuổi thơ.

Nước Nga, tuy xa mà gần

Với đa phần lũ trẻ thành thị, sinh ra vào thập kỷ 70 của thế kỷ trước - như tôi, nước Nga là một xứ sở tuy rất xa xôi nhưng vô cùng gần gũi.

Thời ấy, tủ sách nhà ai cũng chất đầy những tác phẩm văn học Nga cổ điển. Những đứa trẻ Hà thành, chỉ biết đi qua ba tháng hè dằng dặc bị nhốt trong nhà bằng cách ngốn ngấu đủ loại tiểu thuyết dày cộp, ngân nga đủ loại thơ tình của những tên tuổi đại văn hào lẫy lừng. Hầu hết sách ngày đó in lem nhem trên giấy bã mía đen sì, đọc một lúc là toét mắt. Vì thế, những cuốn sách dày, in ấn chất lượng cao trên giấy trắng tinh “dán nhãn” NXB Cầu Vồng nổi tiếng có sức hấp dẫn không bàn cãi. Ngoài chiếc loa truyền thanh luôn rọt rẹt đủ loại âm thanh không thể tệ hơn, thế giới âm nhạc đỉnh cao - với nhạc thính phòng, giao hưởng và các vở opera được gói gọn trong những chiếc đĩa nhựa hiệu Melodia, do những nghiên cứu sinh và người đi lao động xuất khẩu ở Nga khuân về. Rồi cả phố cũng lác đác dăm ba cái ti vi đen trắng, mỗi ngày chỉ phát sóng vài tiếng buổi tối. Một dạo, cũng lại chỉ có những chương trình Nga là món ăn giải trí thú vị độc nhất. “Bông hoa nhỏ” có phim hoạt hình “Hãy đợi đấy”. Ca nhạc quốc tế là nơi độc diễn của ngôi sao nhạc pop Sophia Rotaru và “người đàn bà hát” Alla Pokachova. Bóng đá quốc tế loanh quanh với mấy câu lạc bộ Nga hàng đầu Dinamo Kiev và Spartak Moscow… Chương trình sân khấu truyền hình phát đi phát lại những vở kịch Chuông đồng hồ điện Kremlin, Khúc thứ ba bị tráng… Và chương trình phim truyện luôn bắt đầu bằng logo của hai xưởng phim huyền thoại Mosfilm và Lenfilm, với những cái tên nổi tiếng: Bài ca người lính, Khi đàn sếu bay qua, Người thứ 41 hay sau này là Moscow, không tin những giọt nước mắt... Đến cả những vật dụng như cái bàn là, chiếc nồi áp suất, máy quay đĩa hay tủ lạnh Xaratov… cũng trở thành giấc mơ Nga rực rỡ sắc màu với những đứa trẻ nhọc nhằn đi qua thời tem phiếu bao cấp đói khổ.


Ngày ấy, trường đại học Lomonosov là thánh đường mơ ước của những thanh niên vừa tốt nghiệp cấp III. Học sinh cả nước học duy nhất một ngoại ngữ: tiếng Nga. Những nghiên cứu sinh tốt nghiệp từ nước Nga, với cụm từ lạ lẫm Phó Tiến sĩ trở thành những “hotboy” sáng giá được các cô gái Hà thành yêu kiều săn đón...

Vì vậy, không ngạc nhiên khi văn hóa Nga, tâm hồn Nga, tính cách Nga… đã trở nên gần gũi, thân thương với đại bộ phận người Việt sinh ra ở thời điểm đó đến vậy! Hiện có tới 60% du khách chọn điểm đến nước Nga đều đã từng sinh sống, học tập và làm việc tại nơi đây - theo số liệu của một doanh nghiệp lữ hành chuyên tổ chức tour Nga cung cấp. Họ quay lại xứ sở bạch dương để tìm lại những mảnh ghép ký ức rất đẹp, của riêng mình. Dù Liên bang Xô viết (CCCP) năm xưa đã tan rã, dù nước Nga giờ đã khác xưa quá nhiều. Số còn lại có lẽ thuộc về những người như tôi, yêu văn hóa Nga từ trong máu thịt và muốn được tận mắt chiêm ngưỡng những địa danh nổi tiếng đã trở nên gần gũi qua các tác phẩm văn học nghệ thuật như: Đại lộ Nevski, phố cổ Arbat, Điện Kremlin, Cung điện Mùa đông, Bảo tàng Hermitage, Nhà thờ Thánh Isaac, Nhà hát Bolshoy, Bảo tàng Bức tranh tròn Borodino… Trải nghiệm khó quên khi khám phá những công trình nghệ thuật, kiến trúc và tôn giáo đặc sắc ấy sẽ được tôi chia sẻ dần dần trong những kỳ tới.

Và những đêm trắng đến sớm


Bức tượng đồng vợ chồng thi hào Nga Puskin tại Phố cổ Arbat (Moscow)

Đến nước Nga khi đã cuối Xuân nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận rất rõ tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đang diễn ra nơi đây. Trước thời điểm khởi hành một tuần, cả Moscow lẫn Saint Petersburg vừa ngập chìm trong cơn bão tuyết khủng khiếp, khiến những đọt mầm xanh non mới nhú trên các tán cây đồng loạt thui chột. Bão tuyết, vào thời điểm cuối tháng tư là một hiện tượng hy hữu, không theo quy luật. Và nó khiến bức tranh thiên nhiên của cố đô cổ kính Saint Petersburg nhuốm màu ảm đạm, với những thân cành nâu xỉn, khẳng khiu tua tủa. Màu xanh của lá còn rất hiếm, nói gì tới hoa. Và không biết có phải vì cùng lý do “biến đổi khí hậu”, đêm trắng - món đặc sản đã trở thành thương hiệu của thành phố đã manh nha đến khá sớm, so với quy luật gần cuối tháng 5 của mọi năm. Từ cửa phòng khách sạn nhìn ra, 10 giờ đêm vẫn một màu trắng sữa. Từng góc phố, ngôi nhà vẫn nhìn rõ mồn một, mà không cần sự trợ giúp của đèn đường. Nửa đêm, trời tối đi chút xíu rồi khoảng 2 giờ sáng đã sáng bừng. Chưa trọn vẹn đúng nghĩa đêm trắng, nhưng được hưởng thụ chút “phiên bản” thế này cũng là một may mắn nằm ngoài dự kiến.

Cô bạn tôi, vốn nhiều năm sinh sống tại Moscow chia sẻ: “Mọi người thường nghĩ tháng 6 - tháng 7 là thời điểm đẹp nhất để khám phá nước Nga. Không chỉ được thưởng thức đêm trắng, mùa hè với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, khí hậu mát mẻ đã biến nước Nga trở thành điểm đến lý tưởng trong mùa du lịch. Nhưng từ vài năm trở lại đây, bạn chỉ nên tới Nga muộn nhất là cuối tháng 5. Tháng 6, tháng 7 thời tiết rất nóng. Nếu tháng 8 mà tới Moscow, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy Thủ đô vốn sống chung với nạn tắc đường này vắng tanh. Bởi phần lớn cư dân, vì quá sợ nắng nóng, đều không dám ra đường...”. Một kinh nghiệm hữu ích, mà những độc giả đam mê du lịch nên biết, nếu quyết định tới Nga và thậm chí là cả châu Âu, trong mùa hè 2017 này...

(còn tiếp)

Hồ Cúc Phương

http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=78&NewsId=391372

Chia sẻ:

Bài viết cùng danh mục:

Viết Bình luận