Huyền ảo “phiên chợ Ba Tư” ở Doha

 


Tới đây, du khách như được sống lại trong không gian huyền hoặc của những phiên chợ Ba Tư cả nghìn năm về trước.

NDĐT - Tới Souq Waqif là thấy những năm tháng tuổi thơ ùa về. Thấy xứ sở Ba Tư thấm đẫm sắc màu huyền thoại “Nghìn lẻ một đêm” vẫn vẹn nguyên, như chưa từng lướt qua cả nghìn năm lịch sử. Tới Souq Waqif là bỏ lại một Doha hào nhoáng với những toà nhà chọc trời sau lưng, để bước vào thế giới Hồi giáo cổ kính, huyền hoặc đến mức khó tin.

Nơi thời gian ngừng trôi

Đã từng đặt chân tới nhiều quốc gia, từng mê mải lang thang trong nhiều khu chợ khác nhau nhưng chợ cổ Souq Waqif vẫn mang lại cho tôi ấn tượng vô cùng đặc biệt. Sức quyến rũ tiềm ẩn của một phiên chợ Ba Tư nguyên bản đã khiến nơi đây trở thành điểm đến hiếm hoi mà mọi du khách đều muốn được trở đi trở lại thăm thú nhiều lần, lần nào cũng phát hiện ra nhiều điều mới lạ.

Một mê cung khổng lồ, với hằng hà sa số những con hẻm nhỏ giao cắt không theo bất cứ một quy luật nào. Những gian hàng, cửa hiệu san sát nối nhau, với tầng tầng lớp lớp những sản vật đặc trưng, những món đồ thủ công được chế tác bằng đôi bàn tay tài khéo của các nghệ nhân. Và tất cả đều đậm đặc phong vị cùng bản sắc Trung Đông, không thể trộn lẫn.

 

Souq Waqif mang lại cho tôi cảm giác rất lạ, như thể cả không gian phiên chợ Ba Tư cổ xưa bị làm cho đông cứng, nhờ một phép thần. Ở nơi thời gian ngừng trôi ấy, khách lang thang trong chợ là xắn từng miếng quá khứ, nhấm nháp thưởng thức và ngỡ ngàng bởi vị tươi ngon của chúng.

 

Một nhà hàng Arab tuyệt đẹp nằm trong khu chợ cổ.

Làn khói uốn lượn từ những chiếc lư đồng khiến khu chợ sực nức mùi trầm, mùi quế, mùi tinh dầu Arab gắt và nồng. Những chiếc bàn kín khách hút shisha, mùi hương trái cây ngọt dịu vấn vương. Những gian hàng cay nồng gia vị. Những cửa hàng hương liệu ngập tràn các loại trầm hương gỗ aga (hay còn gọi là oud) người dân Qatar hay đốt ở nhà hay văn phòng để bày tỏ lòng hiếu khách. Những khu trưng bày thảm dệt thủ công rực rỡ màu sắc, tinh tế hoa văn. Những chiếc đèn thần huyền bí, những bộ quân cờ tiện bằng ngà voi, những con thuyền tạo dáng thanh thoát, những khẩu súng và thanh gươm có tuổi đời hàng thế kỷ…là những món đồ thu hút rất đông du khách chọn mua.

Đặc biệt, chợ như một thiên đường cho tín đồ hảo ngọt, với rất nhiều loại kẹo bánh sặc sỡ. Nếu tới đây, nhớ đừng quên thử món kẹo kunafa nổi tiếng ở quán Al Aker Sweets. Thế giới vật nuôi rộn rã, với những chim thú cưng đáng yêu cùng những cửa hàng cung cấp chim săn mồi kèm phụ kiện huấn luyện, những bãi chăn thả lững thững hàng chục chú ngựa Arab thuần chủng… là điểm nhấn rất đỗi đáng yêu cho bức tranh toàn cảnh của khu chợ “cái gì cũng có” này.

Nơi thời gian đồng hiện

Chợ là nơi tụ hội bản sắc văn hoá, là nơi hiển hiện mọi sắc màu đời sống cư dân bản địa. Chợ là nơi gìn giữ và trao truyền, tiếp nối những giá trị tinh tuý mang hồn vía của cả một cộng đồng, lớn hơn là cả một dân tộc.

Với chỉ vỏn vẹn 12% cư dân bản địa, lang thang ở Doha mang lại cảm giác cho tôi cảm giác đang lạc vào một hợp chủng quốc. Trong dòng người lũ lượt đổ về khu chợ cổ Souq Waqif, tôi nhìn thấy những phụ nữ châu Phi phục phịch, nước da đen bóng sánh bước cùng những người đàn ông châu Âu mắt xanh tóc vàng. Phổ biến nhất là gương mặt ngăm đen hồn hậu của những công dân Philippines, Ấn Độ, Bangladesh, Malaysia…, cộng đồng người lao động đông đảo nhất ở xứ sở này.

                                Kiến trúc đôc đáo giúp du khách chỉ cần giơ máy ảnh là có ngay những tấm hình ấn tượng.

Những bộ trang phục truyền thống Hồi giáo, Do Thái giáo phấp phới bên nhau. Những chiếc abya – áo choàng rộng dài tới gót chân bằng lụa đen sánh cùng burqa – bộ đồ trùm kín toàn thân, mắt có tấm che bằng vải thưa. Những chiếc khăn hijab chỉ che mái tóc với màu sắc sặc sỡ lặng lẽ đồng hành cùng những bộ niqab – bộ đồ màu đen trùm kín cơ thể, chỉ để hở đôi mắt đen thẫm, đẹp hút hồn. Phụ nữ Hồi giáo phải có đàn ông tháp tùng khi ra khỏi nhà nên những cặp đôi chậm rãi bên nhau trong trang phục đơn sắc trắng – đen là hình ảnh quen thuộc mà tôi có thể bắt gặp ở mọi ngóc ngách trong chợ.

Những bức tường trắng của pháo đài cổ Al Koot ngạo nghễ vươn cao sừng sững bên cạnh khu chợ cổ kính. Được xây dựng từ năm 1927 nhằm theo dõi và đối phó với những tên trộm rất đỗi ranh ma thường xoáy đồ đạc của du khách vốn đã trở thành “thương hiệu” của phiên chợ Ba Tư cổ xưa, giờ thì pháo đài – với những toà tháp vuông tròn chỉ đơn thuần gánh vác một trọng trách duy nhất: trở thành điểm nhấn kiến trúc độc đáo trong bức tranh toàn cảnh của Souq Waqif mà thôi. Dấu ấn kiến trúc truyền thống Qatar cũng in đậm trong cách thức xây dựng của từng ngôi nhà. Những bức tường đất đá thô mộc có chiều dày cả mét giúp giữ ấm về đêm, làm mát ban ngày. Những cửa sổ kích thước nhỏ xíu, thấp lè tè giúp chống chọi lại những trận bão cát sa mạc. Những khối nhà vuông vức đơn sắc, trắng hoặc xám. Những thanh xà ngang thò thụt ngẫu hứng từ những bức tường biến thành chỗ đậu cho chim bồ câu. Những mái nhà thấp gia cố thêm lớp cách nhiệt bằng lá cọ.

 

                                  

Lang thang theo những mê cung ngoắt ngoéo bên trong, tôi bắt gặp một đồn cảnh sát, lẽ dĩ nhiên vô cùng cũ kỹ. Trộm cắp giờ đã bị xoá sổ hoàn toàn, nhưng lực lượng an ninh ở đây vẫn còn tồn tại, như một nét văn hoá cần được nâng niu gìn giữ. Vào hai khung giờ nhất định của ngày, họ sẽ duyệt đội ngũ ngay trước cửa đồn, sẽ thong dong cưỡi ngựa đi tuần, sẽ vui vẻ chụp ảnh kỷ niệm cùng du khách với nụ cười thân thiện trên môi. Tiếc là cả hai lần tới chợ, tôi đều không có duyên gặp họ.

Souq Waqif gây ấn tượng mạnh với du khách nhờ vẻ xưa cũ hằn in trên từng mảng tường, từng cánh cửa gỗ thâm nâu nhợt nhạt vì dãi dầu mưa nắng, từng viên đá lát đường nhẵn bóng theo thời gian. Nhưng trong thực tế, ngôi chợ cổ xưa nguyên thuỷ này đã nhanh chóng xuống cấp và bị phá bỏ hoàn toàn từ khá lâu. Công trình mà tôi được chiêm ngưỡng hôm nay chỉ là một bản sao hoàn hảo, do chính phủ đầu tư khoản kinh phí rất lớn phục dựng toàn bộ. Nó trông y hệt hình ảnh còn được lưu giữ, từ những năm đầu thế kỷ XX. Và trở thành thỏi nam châm toả ra lực hút khó cưỡng, nhờ bảo lưu trọn vẹn những tinh hoa văn hoá nổi bật, đậm đặc nhất của xứ sở này. “Chưa khám phá Souq Waqif là chưa đặt chân tới Doha”, câu nói này được cô hướng dẫn viên nhắc đi nhắc lại với chúng tôi, bằng một ngữ điệu tự hào không giấu diếm.

Chợ luôn tấp nập khách mua sắm, thưởng ngoạn từ sáng đến đêm. Nhưng thăm thú chợ vào buổi tối là một lựa chọn khôn ngoan, khi hệ thống đèn được bố trí khoa học hắt ánh sáng dịu dàng, tinh tế lên mỗi bức tường, lên từng ô cửa. Nó mang lại vẻ lung linh, huyền bí cho cả khu mua sắm mênh mông. Nó mang lại vẻ thoát tục cho không gian đậm đặc hương shisa dịu ngọt, toả ra từ những quán cà phê đông nghịt khách khứa. Nó khiến những quán ăn Arab trở nên quyến rũ, mời gọi du khách dừng chân khám phá tinh tuý ẩm thực. Và nó khiến vẻ đẹp hút hồn của những gương mặt đàn ông và phụ nữ Trung Đông trở nên đặc biệt bí ẩn.

Không ai tới đây mà có thể ra về tay không. Từ hương liệu, gia vị, chà là sấy khô tới đồ cổ, vàng và đá quý… Từ những món đồ thủ công nhỏ xinh tới tấm thảm trải sàn khổng lồ… Từ cây đèn thần của chàng Aladdin đến chú ngựa Arab thuần chủng đắt tới mức choáng váng….

Souq Waqif gói gọn cả trái tim lẫn linh hồn của Qatar. Souq Waqif gói gọn cả trái tim lẫn linh hồn của Qatar. Khám phá nơi đây, tin tôi đi, bạn sẽ không bao giờ thất vọng!

HỒ CÚC PHƯƠNG. Ảnh: GIANG NGUYỄN, tomarcherphoto.com

 

Chia sẻ:

Bài viết cùng danh mục:

Viết Bình luận