Chương trình kích cầu du lịch nội địa 2016 với chủ đề "Người Việt Nam du lịch Việt Nam - Mỗi chuyến đi thêm yêu Tổ quốc"
BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3423/QĐ-BVHTTDL |
Hà Nội, ngày 17 tháng 10 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH KÍCH CẦU DU LỊCH NỘI ĐỊA VỚI CHỦ ĐỀ “NGƯỜI VIỆT NAM DU LỊCH VIỆT NAM - MỖI CHUYẾN ĐI THÊM YÊU TỔ QUỐC”
BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
Căn cứ Nghị định số 76/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Căn cứ Kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch tại Thông báo số 227/TB-VPCP ngày 9/6/2014 của Văn phòng Chính phủ về cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch ngày 30/5/2014;
Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt và ban hành kèm theo Chương trình kích cầu du lịch nội địa với chủ đề “Người Việt Nam du lịch Việt Nam - Mỗi chuyến đi thêm yêu Tổ quốc”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Giao Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch chủ trì, phối hợp với các Cơ quan chức năng của các Bộ ngành, địa phương liên quan tổ chức phổ biến, triển khai thực hiện.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Thủ trưởng các Cục, Vụ, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
|
KT. BỘ TRƯỞNG |
CHƯƠNG TRÌNH
KÍCH CẦU DU LỊCH NỘI ĐỊA VỚI CHỦ ĐỀ “NGƯỜI VIỆT NAM DU LỊCH VIỆT NAM - MỖI CHUYẾN ĐI THÊM YÊU TỔ QUỐC”
Ban hành theo Quyết định số 3423/QĐ-BVHTTDL ngày 17/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
I. SỰ CẦN THIẾT VÀ MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH
1.1. Sự cần thiết:
Triển khai Kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch tại Thông báo số 227/TB-VPCP ngày 9/6/2014 của Văn phòng Chính phủ về cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch ngày 30/5/2014, Kế hoạch số 1836/KH-BCĐNNVDL ngày 6/6/2014 của Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch và Kế hoạch tổng thể số 46/KH-BVHTTDL ngày 19/5/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhằm khắc phục sự suy giảm khách du lịch quốc tế, thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch nội địa, khích lệ người dân đi tham quan du lịch tới các vùng miền trong nước, qua đó nâng cao tình yêu quê hương đất nước và góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Chương trình kích cầu du lịch nội địa với chủ đề“Người Việt Nam du lịch Việt Nam - Mỗi chuyến đi thêm yêu Tổ quốc” (gọi tắt là Chương trình kích cầu du lịch nội địa).
1.2.1. Mục tiêu chung:
- Khuyến khích, tạo điều kiện để người dân đi tham quan du lịch tới các vùng miền trong cả nước, trong đó chú trọng thu hút khách du lịch tới các tỉnh ven biển, vùng núi, đồng bằng nơi có tiềm năng du lịch, góp phần giúp ngành Du lịch vượt qua khó khăn thách thức trong giai đoạn hiện nay.
- Thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ và cộng đồng tham gia thúc đẩy phát triển du lịch. Động viên, khích lệ các doanh nghiệp lữ hành, các khách sạn, nhà hàng, các hãng vận chuyển, các khu, điểm du lịch, siêu thị, các trung tâm mua sắm,... hưởng ứng, tích cực tham gia các hoạt động kích cầu du lịch.
- Tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là người dân tại các tỉnh vùng núi, đồng bằng, ven biển, góp phần xóa đói giảm nghèo, đồng thời góp phần bảo vệ tài nguyên, môi trường và chủ quyền của đất nước.
1.2.2. Mục tiêu cụ thể: Góp phần thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch nội địa, phấn đấu đạt và vượt con số mục tiêu 35 triệu lượt khách nội địa trong năm 2014 và 37,5 triệu lượt khách nội địa trong năm 2015, thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch là người Việt Nam định cư ở nước ngoài về thăm quê hương.
2.1. Thông điệp của Chương trình:
Thông điệp của Chương trình kích cầu du lịch nội địa với chủ đề “Người Việt Nam du lịch Việt Nam - Mỗi chuyến đi thêm yêu Tổ quốc” để khích lệ nhu cầu du lịch nội địa là: “Đất nước Việt Nam thật giàu tiềm năng du lịch. Từ đỉnh Lũng Cú nơi cực Bắc đến mũi Cà Mau nơi cực Nam Tổ quốc, nơi đâu cũng thấy cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp hòa quyện với sắc màu văn hóa đa dạng, đặc sắc của cộng đồng 54 dân tộc anh em, những di tích lịch sử đậm dấu ấn quá trình dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc. Vẻ đẹp của đất nước lại được tôn lên bởi đi đến đâu chúng ta cũng gặp những người dân luôn nở nụ cười đôn hậu, thân thiện và giàu lòng hiếu khách. Vẻ đẹp của đất nước còn quyến rũ hơn bởi đi tới nơi đâu chúng ta cũng có thể được thưởng thức ẩm thực đa dạng với những món ăn giàu hương vị mà độc đáo, đượm bản sắc và tinh hoa đất Việt. Mỗi chuyến đi tới mỗi vùng, miền của Tổ quốc thân yêu, từ vùng núi cao tới vùng đồng bằng và hải đảo thiêng liêng, chúng ta sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng và tận hưởng những vẻ đẹp muôn màu ấy của dải đất hình chữ S. từ đó tình yêu Tổ quốc sẽ tự dâng trào trong sâu thẳm trái tim ta. Hãy thu xếp hành trình đi khám phá và trải nghiệm vẻ đẹp đất nước, quê hương mỗi khi Bạn có thể - Mỗi chuyến đi Bạn sẽ thêm yêu Tổ quốc mình!”.
2. Nội dung của Chương trình:
2.2.1. Đẩy mạnh nhu cầu du lịch nội địa tới các điểm đến, đặc biệt là vùng núi, đồng bằng, vùng ven biển và hải đảo của Tổ quốc.
- Thúc đẩy nhu cầu du lịch nội địa của người dân Việt Nam tới các tỉnh ven biển, hải đảo, vùng núi và đồng bằng nơi có tiềm năng du lịch, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch ở các địa phương.
- Khuyến khích công chức, viên chức, người lao động sử dụng thời gian nghỉ phép và các ngày nghỉ lễ, nghỉ cuối tuần đi tham quan du lịch tới các điểm du lịch trong nước, đặc biệt là ở các tỉnh ven biển, hải đảo, vùng núi và đồng bằng để thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, hướng về biển đảo của Tổ quốc.
- Khuyến khích các tỉnh ven biển, vùng núi và đồng bằng nơi có tiềm năng du lịch nhung chưa thu hút được nhiều khách du lịch tập trung khảo sát, xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới, đa dạng, hấp dẫn ở địa phương, đồng thời tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch và khách du lịch để khích lệ nhu cầu du lịch nội địa của người dân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tới tham quan du lịch ở địa phương.
- Khuyến khích các địa phương có chính sách khuyến mại, miễn giảm giá vé, lệ phí tham quan vào các khu, điểm du lịch, đồng thời xây dựng môi trường du lịch thân thiện, an toàn, chất lượng và vệ sinh để thúc đẩy thu hút khách du lịch đến địa phương.
- Khuyến khích các địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ, vận chuyển tổ chức cho khách du lịch tới tham quan các di tích lịch sử văn hóa, các bảo tàng của địa phương, đặc biệt là tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi (Đảo Lý Sơn), Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang (Đảo Phú Quốc),... nơi có những bảo tàng trưng bày các hiện vật lịch sử và hình tượng chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
- Khuyến khích các địa phương, các trường học, các doanh nghiệp và các đơn vị, cá nhân tổ chức các chương trình giao lưu cho học sinh, sinh viên, người lao động để tuyên truyền, ủng hộ vật chất, tinh thần, đồng thời tổ chức các chương trình tour đến thăm bà con nhân dân vùng ven biển, đặc biệt là các ngư dân vùng biển Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Ngãi và các chiến sỹ cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư.
- Các địa phương cần chú trọng đổi mới hình thức, nâng cao chất lượng tổ chức các lễ hội và hoạt động văn hóa truyền thống; cân nhắc, có chính sách quảng bá, chương trình khuyến mại trong các dịp này.
- Các địa phương phối hợp với các trường học, cơ sở giáo dục xây dựng chương trình ngoại khóa, kết hợp tham quan, tìm hiểu về các di tích lịch sử, văn hóa và di sản được UNESCO công nhận
- Các địa phương hình thành các tổ chức tình nguyện viên của địa phương để hướng dẫn, hỗ trợ khách du lịch. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài và khách nội địa đến tham quan các điểm du lịch và động viên, ủng hộ bà con ngư dân vùng biển cũng như các chiến sỹ cảnh sát biển và lực lượng kiểm ngư.
- Khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, các khu, điểm du lịch, khu vui chơi giải trí, các siêu thị, cửa hàng mua sắm,... thực hiện khuyến mại giảm giá dịch vụ từ 10% trở lên, liên kết hình thành các tour khuyến mại cho khách du lịch đi theo đoàn. Khuyến khích các khách sạn áp dụng đa dạng các chính sách khuyến mại như cung cấp miễn phí một phần dịch vụ (ví dụ, khách ở 3 đêm miễn phí một đêm, hoặc giảm giá các dịch vụ trong khách sạn cho khách lưu trú tại khách sạn).
- Khuyến khích người dân địa phương tham gia cung cấp dịch vụ du lịch. Đối với những điểm du lịch ở nông thôn, miền núi, đồng bằng và hải đảo, chính quyền địa phương cần khuyến khích người dân đăng ký cung cấp dịch vụ lưu trú tại nhà (homestay) cho khách du lịch. Phát động và khích lệ người dân địa phương thể hiện thái độ cởi mở, thân thiện, sẵn sàng chào đón và giúp đỡ khách du lịch khi đến tham quan các khu, điểm du lịch ở địa phương.
- Các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động phối hợp với Sở Công Thương tổ chức chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thúc đẩy khách du lịch mua hàng hóa sản xuất trong nước, tổ chức các chương trình, sự kiện bán hàng giảm giá tại các địa phương như hội chợ khuyến mại, tháng khuyến mại, bốc thăm trúng thưởng, chiết khấu giảm giá, tặng thẻ ưu đãi mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng, điểm mua sắm.
- Khuyến khích các địa phương có sân bay chủ động làm việc với các Hãng hàng không tăng cường các chuyến bay đến các địa phương và giảm giá vé máy bay trên các chặng bay nội địa.
- Khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp hàng không xây dựng, hình thành các gói tour khuyến mại nội địa để thu hút khách du lịch nội địa và người Việt Nam định cư ở nước ngoài về thăm quê hương.
- Các doanh nghiệp lữ hành làm việc với các đại diện của các hãng Hàng không Việt Nam tham gia Chương trình tại từng vùng để xây dựng kế hoạch phát động thị trường du lịch nội địa thông qua tổ chức một số chương trình Famtrip để xây dựng các tour khuyến mại mới cho khách du lịch.
- Các hãng Hàng không Việt Nam tham gia phối hợp tài trợ một số sự kiện du lịch của các địa phương và của Tổng cục Du lịch.
- Các doanh nghiệp thực hiện khuyến mại, giảm giá cho khách du lịch tham gia Chương trình để hưởng các ưu đãi từ các đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan, được quảng bá miễn phí trên trang web của Chương trình, được ưu tiên tham gia các hoạt động xúc tiến du lịch do Tổng cục Du lịch tổ chức.
2.2.2. Phát động chiến dịch khuyến khích người Việt Nam định cư ở nước ngoài về thăm quê hương, hướng về biển đảo Tổ quốc.
- Phát động chiến dịch “Người Việt Nam hướng về Tổ quốc” ở những nước có đông người Việt Nam định cư như Mỹ, Pháp, Đức,... để khuyến khích người Việt Nam định cư ở nước ngoài về thăm quê hương, đi tham quan du lịch tới các vùng miền trong nước để chiêm ngưỡng khám phá vẻ đẹp đất nước, qua đó thể hiện tình yêu quê hương, đồng thời đóng góp, hỗ trợ, động viên vật chất và tinh thần cho lực lượng biên phòng, cảnh sát biển, kiểm ngư, các ngư dân ra khơi bám biển và bảo vệ chủ quyền tại vùng núi và biển đảo Việt Nam.
- Thông qua người Việt Nam định cư ở nước ngoài về thăm quê hương đẩy mạnh truyền thông quảng bá điểm đến Việt Nam ở nước ngoài. Xây dựng các gói thông tin điện tử giới thiệu điểm đến Việt Nam bằng nhiều thứ tiếng để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giới thiệu tới bạn bè quốc tế sau khi về thăm quê hương.
- Khuyến khích các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ở các tỉnh biên giới trên bộ và các tỉnh ven biển chủ động tổ chức các cuộc tiếp xúc, giao lưu, gặp gỡ giữa các người Việt Nam định cư ở nước ngoài với bà con nhân dân các tỉnh biên giới và nhân dân các tỉnh vùng biển và lực lượng cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư làm nhiệm vụ tại vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa.
III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
3.1. Giải pháp về cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Chương trình kích cầu du lịch nội địa:
- Để kích cầu du lịch hiệu quả, Nhà nước phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Chương trình kích cầu du lịch nội địa. Kinh nghiệm năm 2009 triển khai hiệu quả Chương trình kích cầu du lịch mang tên “Ấn tượng Việt Nam” là nhờ các doanh nghiệp du lịch tham gia Chương trình kích cầu du lịch được giảm 50% thuế giá trị gia tăng và lùi thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 9 tháng. Do đó, Nhà nước nên có giải pháp hỗ trợ ưu đãi về thuế để khích lệ doanh nghiệp như giảm thuế giá trị gia tăng và miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp du lịch, thương mại và dịch vụ tham gia Chương trình kích cầu du lịch nội địa.
- Các địa phương nên có cơ chế chính sách tạo thuận lợi và khuyến khích các doanh nghiệp trong việc đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới, cung cấp các dịch vụ du lịch mới, chất lượng cho khách du lịch để khích lệ nhu cầu của khách du lịch nội địa tới tham quan du lịch ở địa phương.
3.2. Giải pháp tăng cường liên kết giữa các địa phương và doanh nghiệp du lịch và dịch vụ để kích cầu du lịch nội địa:
- Tăng cường liên kết giữa các địa phương trong việc hình thành các chương trình du lịch gắn kết các điểm du lịch của các địa phương. Một số địa phương trong vùng có thể liên kết, cùng đưa ra một chính sách khích lệ khách du lịch đến tham quan du lịch theo chương trình du lịch liên địa phương do các doanh nghiệp lữ hành tổ chức.
- Tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch (lữ hành, vận chuyển, lưu trú, giải trí, các cửa hang mua sắm, bán hàng lưu niệm) để hình thành các tour khuyến mại hấp dẫn để thu hút khách du lịch trên cơ sở đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch.
- Phát động toàn ngành hưởng ứng nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và khích lệ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ liên quan đến du lịch tăng cường nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng chữ tín với khách du lịch.
3.3. Giải pháp đẩy mạnh công tác truyền thông quảng bá về Chương trình kích cầu du lịch nội địa:
- Tổ chức giới thiệu, quảng bá về Chương trình trên các ấn phẩm du lịch của Tổng cục Du lịch, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các doanh nghiệp du lịch, trên các ấn phẩm của Tạp chí Du lịch, Báo Du lịch và các phương tiện thông tin đại chúng khác.
- Tổ chức tốt công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về Chương trình; khuyến khích Đài truyền hình Việt Nam (kênh VTV4, kênh VTV5) và các Đài truyền hình, báo chí khác hình thành chuyên mục giới thiệu tiềm năng du lịch ở các địa phương và quảng bá về Chương trình kích cầu du lịch nội địa.
- Các địa phương tăng cường giới thiệu, quảng bá du lịch địa phương trên truyền hình, báo chí ở Trung ương và địa phương, trên trang web của Chương trình, khuyến khích hình thành chuyên mục du lịch trên Đài truyền hình địa phương để giới thiệu tiềm năng du lịch, các điểm du lịch, các sản phẩm và dịch vụ du lịch tại địa phương. Khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp du lịch in tờ rơi quảng cáo du lịch của địa phương, bản đồ du lịch của địa phương, phát miễn phí tại các quầy thông tin du lịch, quầy bán vé tham quan,...
- Khuyến khích tổ chức gặp gỡ các doanh nghiệp du lịch, khách sạn, vận chuyển, cơ sở dịch vụ, nhà hàng để xây dựng và đưa ra được một hay nhiều gói sản phẩm liên kết khuyến mại hấp dẫn trên địa bàn.
- Duy trì và quảng bá rộng rãi trang web của Chương trình với các nội dung và tiện ích phù hợp để truy cập và kết nối với các trang web của Tổng cục Du lịch và các trang web khác của địa phương và doanh nghiệp.
3.4. Giải pháp về tăng cường quản lý điểm đến, đảm bảo môi trường, an ninh, trật tự, an toàn và quyền lợi của khách du lịch.
- Các địa phương tăng cường công tác chấn chỉnh môi trường du lịch theo hướng văn minh, trật tự, an toàn và thân thiện với khách du lịch, tạo thuận lợi về cho khách du lịch tham quan du lịch tại địa phương. Tăng cường kiểm tra, đánh giá chất lượng dịch vụ, phục vụ khách du lịch tại các địa phương, có biện pháp khích lệ kịp thời những doanh nghiệp điển hình về kinh doanh du lịch có uy tín, đảm bảo chất lượng đồng thời công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh không đảm bảo chất lượng dịch vụ, lừa đảo, “chặt chém” khách du lịch.
- Các địa phương tăng cường quản lý môi trường tự nhiên, cảnh quan tại các khu điểm du lịch theo hướng giảm thiểu việc gây ô nhiễm môi trường điểm đến, xử lý nghiêm việc xả rác, nước thải, chất thải ra môi trường, đảm bảo môi trường vệ sinh, trong sạch, tạo ấn tượng tốt với khách du lịch.
3.5. Tăng cường vai trò của Hiệp hội triển khai Chương trình:
- Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Hiệp hội Du lịch địa phương có chính sách khích lệ các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ hưởng ứng và tham gia Chương trình kích cầu du lịch nội địa.
- Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát huy kết quả đạt được trong việc triển khai Chương trình kích cầu du lịch tại Hội chợ VITM hàng năm, có giải pháp triển khai kích cầu du lịch nội địa tại Hội chợ VITM 2015; Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phát động và triển khai Chương trình kích cầu du lịch nội địa tại Hội chợ ITE’TPHCM năm 2015.
IV. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN
Năm 2015 là năm kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn của dân tộc, kỷ niệm năm tròn, năm chẵn, sự kiện quốc gia. Việc phát động Chương trình kích cầu du lịch nội địa để khích lệ người dân tham quan du lịch nhân dịp các ngày nghỉ lễ của dân tộc có ý nghĩa quan trọng. Do đó, Chương trình cần tập trung đưa ra các gói kích cầu du lịch nội địa phù hợp để khích lệ người dân đi tham quan du lịch tới mọi vùng miền của Tổ quốc, qua đó thể hiện tình yêu quê hương đất nước, tăng lòng tự hào dân tộc và nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền quốc gia.
- Để triển khai hiệu quả Chương trình, các địa phương và doanh nghiệp du lịch cần xây dựng kế hoạch cụ thể để khuyến khích và thúc đẩy thu hút khách du lịch nội địa linh hoạt tùy theo tính chất mùa của du lịch nội địa, cụ thể:
+ Mùa cao điểm của du lịch nội địa là từ tháng 5-8/2014 và dịp nghỉ Tết dương lịch, Tết Nguyên Đán, mùa lễ hội xuân sau Tết Nguyên Đán, dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, Ngày quốc tế Lao động, Ngày Quốc khánh. Do đó, các địa phương cần xây dựng kế hoạch cụ thể tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, kiểm soát giá cả, quản lý môi trường điểm đến theo hướng đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh, môi trường và thân thiện để đáp ứng và phục tốt nhất nhu cầu du lịch nội địa.
+ Đối với mùa thấp điểm của du lịch nội địa, các địa phương cần tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá về tiềm năng du lịch của địa phương, có các chính sách ưu đãi, giảm giá vé tham quan, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn có chính sách khuyến mại cụ thể để thúc đẩy thu hút khách du lịch nội địa.
- Chương trình kích cầu du lịch nội địa được thực hiện trong 3 tháng cuối năm 2014 và cả năm 2015, cụ thể:
+ Tháng 10/2014: Ban hành và xây dựng kế hoạch triển khai, phổ biến Chương trình. Tiếp nhận đăng ký tham gia của địa phương và doanh nghiệp.
+ Tháng 11-12/2014: Phổ biến, triển khai Chương trình tại một số địa bàn trọng điểm và tiềm năng.
+ Cả năm 2015: Triển khai Chương trình trên phạm vi toàn quốc.
+ Tháng 7/2015, tổ chức sơ kết đánh giá giữa kỳ thực hiện Chương trình
+ Quý I/2016: Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình.
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN
- Kinh phí triển khai Chương trình được huy động, điều chỉnh từ Chương trình hành động quốc gia về du lịch, Chương trình xúc tiến du lịch quốc gia năm 2014 và năm 2015, từ nguồn chi thường xuyên của Tổng cục Du lịch và các nguồn kinh phí khác của các ngành, địa phương trên cơ sở lồng ghép với các hoạt động, nhiệm vụ thường xuyên của ngành và địa phương.
- Huy động các nguồn kinh phí xã hội hóa từ tài trợ bên ngoài và từ các địa phương, doanh nghiệp tham gia Chương trình.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
6.1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
a. Tổng cục Du lịch:
- Tổng hợp đề xuất những chính sách kích cầu du lịch, đặc biệt là chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình.
- Là đầu mối làm việc với các đơn vị chức năng của các bộ ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình.
- Phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ ngoại giao, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam tổ chức phát động chiến dịch “Người Việt Nam hướng về Tổ quốc” ở những nước có đông người Việt Nam định cư như Mỹ, Pháp, Đức,...
- Phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, Hội Người Việt Nam tại các nước có đông người Việt Nam định cư để tổ chức các chương trình giao lưu, tuyên truyền giới thiệu, quảng bá về Chương trình.
- Chỉ đạo các đơn vị chức năng và các doanh nghiệp lữ hành phối hợp chặt chẽ với các Hãng hàng không Việt Nam và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam để triển khai các chương trình khuyến mại kích cầu nội địa.
- Đầu mối phối hợp, giải quyết các vấn đề có tính liên ngành, liên địa phương trong quá trình triển khai Chương trình.
- Báo Du lịch và Tạp chí Du lịch tăng cường thời lượng và có chuyên mục tuyên truyền về Chương trình và các hoạt động triển khai thực hiện Chương trình của các ngành, địa phương và doanh nghiệp. Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, truyền thông vận động các doanh nghiệp du lịch nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ, thực hiện đúng cam kết khuyến mại với khách du lịch.
- Trung tâm Thông tin Du lịch hoàn thiện và vận hành hiệu quả trang web của Chương trình trên cơ sở trang web của Chương trình kích cầu du lịch 2013.
b. Cục Di sản văn hóa phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Du lịch triển khai Chương trình, tham mưu chỉ đạo các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố giảm giá vé tham quan các di sản thế giới, các di tích, danh lam thắng cảnh ở địa phương, đồng thời, tổ chức tốt các lễ hội dân gian và sự kiện văn hóa ở địa phương để thu hút khách du lịch. Hướng dẫn các bảo tàng ở một số địa phương trưng bày hiện vật, bằng chứng lịch sử về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc để phục vụ khách du lịch.
c. Vụ Kế hoạch, Tài chính: chủ động phối hợp với Tổng cục Du lịch điều chỉnh nguồn kinh phí từ Chương trình hành động quốc gia về du lịch và Chương trình xúc tiến du lịch quốc gia trình Lãnh đạo Bộ giao cho Tổng cục Du lịch để triển khai các hoạt động trong Chương trình kích cầu du lịch nội địa.
6.2. Các bộ, ngành liên quan:
Để triển khai hiệu quả Chương trình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các bộ, ngành liên quan phối hợp triển khai các nội dung của Chương trình và đề xuất các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp và địa phương triển khai Chương trình:
6.2.1. Bộ Công Thương
- Đề nghị phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các Hiệp hội ngành hàng, ngành nghề triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại gắn với Chương trình kích cầu du lịch nội địa; Tổ chức các Tuần lễ/ngày hàng Việt Nam tại các sự kiện văn hóa, du lịch của từng địa phương.
- Đề nghị quan tâm, chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của các địa phương và các Hiệp hội ngành nghề triển khai các hoạt động kích cầu du lịch nội địa gắn với hoạt động xúc tiến thương mại tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo nơi có tiềm năng du lịch hấp dẫn.
- Đề nghị quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động bán hàng giảm giá; cung cấp thông tin về các hoạt động khuyến mại, giảm giá do các doanh nghiệp đăng ký để đăng tải trên website của Chương trình kích cầu du lịch nội địa.
6.2.2. Bộ Ngoại giao: Đề nghị Bộ Ngoại giao chỉ đạo Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài có kế hoạch phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức phát động chiến dịch “Người Việt Nam hướng về Tổ quốc” ở nước ngoài. Chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Hội Người Việt Nam tại các nước có đông người Việt Nam định cư để tổ chức các chương trình giao lưu, tuyên truyền giới thiệu, quảng bá về Chương trình; Chỉ đạo các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài tích cực hưởng ứng và có kế hoạch thông tin tuyên truyền, giới thiệu khích lệ người Việt Nam định cư ở nước ngoài về nước du lịch để thể hiện tình yêu quê hương, đất nước.
6.2.3. Bộ Tài chính: Đề nghị Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan đề xuất chính sách ưu đãi về thuế (miễn giảm, giãn thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp) cho các doanh nghiệp tham gia Chương trình kích cầu du lịch nội địa.
6.2.4. Bộ Giao thông vận tải: đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nâng cấp hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông trên các tuyến quốc lộ, đặc biệt là các tuyến đường kết nối với các điểm du lịch của các địa phương trọng điểm du lịch và tiềm năng trên cả nước; Chỉ đạo các doanh nghiệp hàng không như Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Hãng hàng không Jestar Pacific và Hãng Hàng không Vietjet Air tăng cường các chuyến bay, đặc biệt là các chuyến bay đến các điểm du lịch có tiềm năng nhưng còn ít khách du lịch như khu vực Tây Nguyên, Quảng Bình, Phú Yên, Bình Định, Cần Thơ và khu vực Tây Bắc, đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn hình thành các gói tour khuyến mại nội địa và phát động thị trường du lịch nội địa thông qua tổ chức một số chương trình Famtrip để xây dựng các tour khuyến mại mới cho khách du lịch. Chỉ đạo các hãng Hàng không Việt Nam tham gia phối hợp tài trợ một số sự kiện du lịch của các địa phương và của Tổng cục Du lịch. Chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp lữ hành trong việc xây dựng và triển khai các chương trình khuyến mại giảm giá cho khách du lịch nội địa khi đi tham quan du lịch bằng đường sắt.
6.2.5. Bộ Công an: Đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng trong ngành và Công an các địa phương tăng cường đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn cho khách du lịch tại các điểm du lịch, chỉ đạo xử lý nghiêm tình trạng taxi lừa đảo khách du lịch tại các sân bay, các trung tâm du lịch và các điểm du lịch.
6.2.6. Các bộ ngành liên quan khác: Chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với Tổng cục Du lịch triển khai các nội dung và đề xuất các chính sách hỗ trợ liên quan đến chức năng của các bộ ngành cho doanh nghiệp tham gia Chương trình kích cầu du lịch nội địa.
6.3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Đề nghị quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện có các chính sách thiết thực triển khai hiệu quả Chương trình kích cầu du lịch nội địa ở địa phương:
+ Chỉ đạo xây dựng Kế hoạch hưởng ứng tham gia Chương trình.
+ Có chính sách hỗ trợ, miễn, giảm phí, lệ phí tham quan tại các khu, điểm du lịch và tạo thuận lợi cho khách du lịch nội địa và người Việt Nam định cư ở nước ngoài tới tham quan du lịch tại địa phương.
+ Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch mới, cung cấp dịch vụ du lịch mới, hấp dẫn.
+ Chỉ đạo triển khai Chiến dịch quảng bá tại chỗ đối với khách du lịch, xây dựng môi trường du lịch an ninh, an toàn, thân thiện, chất lượng và vệ sinh tại các điểm tham quan du lịch ở địa phương; Giao các địa phương có khu, điểm du lịch tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý các hoạt động kinh doanh tại khu, điểm du lịch, có chế tài xử lý đối với các đơn vị để xảy ra tình trạng mất trật tự, an ninh, an toàn cho khách du lịch, nạn taxi dù, ăn xin, bán hàng rong, chèo kéo khách, cướp giật, lừa đảo khách du lịch v.v..
+ Chỉ đạo Đài Truyền hình và báo chí địa phương có chuyên mục giành riêng cho Chương trình để thu hút khách nội địa đi du lịch trong phạm vi địa phương và đi du lịch các địa phương khác trong cả nước.
+ Chỉ đạo các Sở Văn hóa, Thế thao và Du lịch thực hiện các chương trình, hoạt động quảng bá điểm đến trong và ngoài nước có hiệu quả.
- Đề nghị bố trí nguồn kinh phí để triển khai các hoạt động kích cầu du lịch trên cơ sở lồng ghép các hoạt động, nhiệm vụ thường xuyên ở địa phương.
6.4. Các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Xây dựng kế hoạch chi tiết hưởng ứng tham gia Chương trình trên cơ sở các chính sách hỗ trợ kích cầu cụ thể của mỗi địa phương trình Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt. Tham mưu, đề xuất với Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh/ thành phố chỉ đạo các đơn vị được Ủy ban nhân dân tỉnh/ thành phố giao quản lý, khai thác các khu, điểm du lịch miễn, giảm giá vé tham quan các điểm du lịch tại địa phương.
- Vận động, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ trên địa bàn tham gia Chương trình. Đăng ký các chương trình khuyến mại du lịch nội địa của các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ trên địa bàn với Tổng cục Du lịch.
- Tổ chức khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch mới và tổ chức các sự kiện du lịch văn hóa, ẩm thực tại địa phương để khích lệ thu hút khách du lịch.
- Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ trên địa bàn nghiêm túc thực hiện các cam kết khuyến mại khi đã đăng ký tham gia Chương trình.
6.5. Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Hiệp hội Du lịch ở các địa phương
- Hiệp hội Du lịch Việt Nam chủ động phối hợp tham gia cùng Tổng cục Du lịch tổ chức triển khai Chương trình tới các doanh nghiệp thành viên, hướng dẫn các Hiệp hội du lịch tại địa phương hưởng ứng tham gia Chương trình. Chỉ đạo Hiệp hội Lữ hành, Hiệp hội Khách sạn phát động các doanh nghiệp lữ hành và khách sạn thành viên tham gia Chương trình với các hình thức khuyến mại cụ thể và đăng ký với Tổng cục Du lịch (Vụ Lữ hành).
- Hiệp hội Du lịch các địa phương chủ động có kế hoạch triển khai Chương trình và khích lệ các thành viên tham gia Chương trình tại địa phương.
6.6. Các hãng Hàng không tham gia Chương trình
- Đề nghị Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Hãng hàng không Jestar Pacific và Hãng Hàng không Vietjet Air phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn hình thành các gói tour khuyến mại nội địa. Tăng cường các chuyến bay, đặc biệt là các chuyến bay đến các điểm du lịch có tiềm năng nhưng còn ít khách du lịch như khu vực Tây Nguyên, Quảng Bình, Phú Yên, Bình Định, Cần Thơ và khu vực Tây Bắc.
- Chủ động có kế hoạch thông báo về chính sách khuyến mại, giảm giá vé máy bay trên các đường bay trong nước gửi về Tổng cục Du lịch để thông tin trên website của Chương trình và phương tiện truyền thông khác.
- Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Tổng cục Du lịch và các địa phương liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành triển khai các nội dung Chương trình có sự tham gia của các Hãng hàng không.
- Có chính sách miễn, giảm giá vé máy bay cho các cán bộ, nhân viên thuộc các đơn vị chức năng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch và các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đi thực hiện các Chương trình xúc tiến du lịch trong và ngoài nước.
6.7. Các doanh nghiệp tham gia Chương trình
- Đăng ký tham gia Chương trình trước ngày 30/11/2014 và thực hiện nghiêm các cam kết, đảm bảo thực hiện tốt chương trình khuyến mại cho khách du lịch.
- Xây dựng các tour khuyến mại gửi về Tổng cục Du lịch (Vụ Lữ hành) để công bố trên trang web của Chương trình.
- Tăng cường cung cấp thông tin, thông báo về dịch vụ và giá cả khuyến mại, thực hiện đúng cam kết với khách du lịch, đồng thời tích cực nâng cao tính chuyên nghiệp trong cung cấp dịch vụ, tăng cường xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới; tránh tình trạng bớt xén dịch vụ hoặc cung cấp dịch vụ thấp hơn chào giá khuyến mại; hưởng ứng tham gia tích cực bằng các hành động cụ thể trong việc xây dựng môi trường du lịch chất lượng, vệ sinh, văn minh, thân thiện và an toàn cho khách du lịch.
- Các doanh nghiệp đăng ký tham gia Chương trình được hưởng các chính sách ưu đãi kích cầu của Nhà nước như miễn, giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp và các chính sách ưu đãi khác (nếu có), đồng thời phải ký cam kết và chịu trách nhiệm trước các cơ quan quản lý nhà nước về nội dung mình đã cam kết. Trường hợp doanh nghiệp vi phạm cam kết, không thực hiện đúng những yêu cầu tham gia Chương trình sẽ bị loại khỏi danh sách tham gia Chương trình và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và cơ quan thuế để không được hưởng ưu đãi của Nhà nước (nếu có) khi tham gia Chương trình.
6.8. Địa điểm tổ chức Chương trình: Tổ chức triển khai Chương trình trên phạm vi cả nước, trong đó tập trung chủ yếu tại các tỉnh vùng núi, đồng bằng, vùng ven biển và hải đảo nơi có tiềm năng du lịch hấp dẫn.
VII. KIỂM TRA, GIÁM SÁT VÀ BÁO CÁO THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
7.1. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình
- Tổng cục Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng của các bộ ngành, địa phương liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình, bảo đảm Chương trình được thực hiện theo đúng yêu cầu, mục tiêu, nội dung, tiến độ, hiệu quả và theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.
- Các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình trên địa bàn, hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký doanh nghiệp tham gia Chương trình, tổ chức kiểm tra và giám sát việc thực hiện cam kết của các doanh nghiệp tham gia Chương trình.
7.2. Báo cáo việc thực hiện Chương trình
Các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch định kỳ (hàng tháng, hàng quý) hoặc đột xuất báo cáo tình hình và kết quả triển khai thực hiện Chương trình về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Tổng cục Du lịch); báo cáo sơ kết việc thực hiện Chương trình trước 30/6/2015, báo cáo tổng kết, đánh giá thực hiện Chương trình tại địa phương trước ngày 10/01/2016./.
Bài viết cùng danh mục:
- 0 Bình luận