Câu chuyện Nhật Bản 5
Bất cứ ai từng ngồi trên một đoàn tàu của Nhật Bản đều không còn lạ với cảnh nhân viên phục vụ đẩy những chiếc xe nhỏ chở đồ ăn dọc theo lối đi giữa hai hàng ghế. Khi liếc mắt nhìn vào trong xe, chúng ta sẽ thấy những món quen thuộc: Bia và đồ uống nhẹ, hoa quả, hạnh nhân, bánh quy và mực khô để nhấm nháp với bia, vài quyển tạp chí và cuối cùng là một chồng hộp trông khá bí ẩn. Những chiếc hộp được gói ghém khá cẩn thận ấy đựng cái mà người Nhật vẫn quen gọi là Ekiben, hay “bữa ăn trưa ở nhà ga”.
Chị đã từng nghe nói và thưởng thức Ekiben chưa ạ? Câu chuyện Nhật Bản tuần này xin giới thiệu tới chị về bữa ăn trưa tiện lợi và phổ biến này ở Nhật Bản.
Ekiben là những bữa ăn rất đơn giản và đắt đỏ, gồm hai nắm cơm nhỏ và một chút dưa muối, gói trong một mảnh giấy bồi, bán trên tuyến đường sắt Ueno – Utsunomiya hồi năm 1885.
Người ta nói rằng ngày nay có khoảng 1,600 loại Ekiben đựng trong nhiều loại hộp khác nhau và được bán với giá từ rất rẻ tới đắt đỏ. Loại phổ thông nhất là makunouchi, một khẩu phần gồm nhiều món với lượng nhỏ, trong đó có khoảng một chục miếng cá, thịt, rau, dưa muối, trứng cùng một nắm cơm, trên đó có đặt một trái mận muối tạo hình như quốc kỳ của Nhật Bản. Điều kỳ lạ là makunouchi có bán trên khắp lãnh thổ Nhật Bản, trong khi các loại Ekiben khác thường được phân biệt theo các địa phương, như cơm hạt dẻ của vùng Sendai, sushi cá nước ngọt của vùng Gifu, nồi cơm thịt của vùng Kobe, “niêu cơm qua núi” của vùng Yokohama (xuất phát từ thực tế là cơm đựng trong niêu đất),v.v… Dường như tất cả các ga lớn đều có những loại Ekiben riêng.
Sự thưởng thức Ekiben chứa đựng ba yếu tố: trông nó ra sao, hương vị thế nào và của địa phương nào. Khiếu thẩm mỹ vỗn có trong nghệ thuật nấu ăn Nhật Bản đã được phát triển một cách đặc biệt trong Ekieben. Giới hạn ngặt nghèo của không gian và giá cả đã buộc những người phục vụ phải sắp xếp đồ ăn và đóng hộp một cách khoa học. Về hương vị, việc phục vụ đồ ăn nguội trong Ekiben không có vấn đề gì đáng ngại, bởi ở Nhật Bản, người ta thường ăn nguội. Điều quan trọng là đồ ăn phải ngon và có chất lượng cao. Rồi những yếu tố trên lại có liên quan đến địa phương ấy.
Tuy nhiên, bên cạnh những sản phẩm của địa phương, người tiêu dùng vẫn muốn có thêm một chút sản phẩm của vùng lân cận, nhất là trong thời đại giao thông nhanh chóng ngày nay, vài chục kilomet không còn là điều đáng kể. Nhu cầu này rất có thể xuất phát từ chỗ, đối với hành khách đi tàu Nhật Bản, Ekiben không chỉ đơn thuần là một bữa ăn mà còn là cách để họ thiết lập mối liên hệ về mặt chất với địa phương mà họ có dịp đi qua. Những con cá có thể được bắt lên từ vùng vịnh của địa phương, những ngọn rau được hái từ trên núi của vùng này còn những hạt gạo lại được gieo trồng trên mảnh đất của quê hương ấy. Với ý nghĩa đó, hành khách đi tàu Nhật Bản không chỉ được ngắm nhìn phong cảnh nơi con tàu chạy qua, mà còn được thưởng thức nó nữa.
Người Nhật thật biết sử dụng những nguồn tài nguyên vốn có theo những cách chọn lọc, vừa thể hiện được đức tính tài hoa qua việc sáng tạo các loại Ekiben vừa “khoe” được những đặc sản vùng miền trên quốc đảo của họ. Khi có dịp trải nghiệm di chuyển bằng các loại hình công cộng hay dừng lại ở các nhà ga tàu ở Nhật Bản anh/chị nhớ ghé thăm các cửa hàng Ekiben để biết được vùng đất mình đang dừng chân có món ăn gì ngon nhé. Chân thành cảm ơn chị.
Bài viết cùng danh mục:
- 0 Bình luận